Trong bối cảnh số ca F0 liên tục gia tăng, nhu cầu oxy lớn thì sáng kiến về một bộ chia oxy trở nên rất thiết thực, hữu ích. Nó không chỉ hỗ trợ cho công tác điều trị, đặc biệt là với những F0 đang điều trị tại nhà, mà còn giúp cho nhiều người có thêm cơ hội sống... Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Tiến Hiển (thành viên Nhóm Oxy y tế TP Hồ Chí Minh, người được coi là "cha đẻ" của bộ chia oxy này).
Phóng viên: Đâu là nguyên nhân khiến anh quyết tâm tạo ra bộ chia oxy?
- Gia đình tôi 3 đời làm thầy thuốc, từ bé, hằng ngày tôi đã nhìn thấy bố mẹ cứu người, và hình ảnh đẹp đẽ đó đã ăn sâu vào trong tâm trí. Đó không chỉ là niềm tự hào, mà còn là động lực to lớn cho tôi trong những lần trực tiếp hỗ trợ F0. Tôi luôn tâm niệm, bằng mọi cách phải cứu được nhiều người nhất có thể, và suy nghĩ về bộ chia oxy cũng từ đó mà ra đời…
Anh Nguyễn Tiến Hiển (mặc áo tím) chủ nhân của sáng kiến bộ chia oxy đang thử nghiệm cho 4 người thở oxy cùng một lúc. Ảnh cắt từ clip
Cụ thể là trong khoảng thời gian từ tháng 7-8/2021, số ca mắc Covid-19 tăng cao, nhu cầu oxy lớn nhưng bình oxy ở TP Hồ Chí Minh khan hiếm trầm trọng. Nhóm Oxy y tế TP Hồ Chí Minh không kịp xoay vòng bình, chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ mỗi gia đình 1 bình oxy và 1 van. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu gia đình có nhiều F0 như 4 F0, 5 F0, 8 F0… sẽ không có đủ oxy cho tất cả cùng duy trì hơi thở.
Từ thực tế đó, tôi mới bắt đầu nảy ra ý nghĩ thực hiện bộ chia oxy này. Ưu điểm của bộ chia oxy là giúp nhiều F0 trong cùng một gia đình có thể chia sẻ oxy cho nhau, cùng nhau chiến đấu với Covid-19.
Tuy nhiên vì chỉ là giải pháp tình thế, nên bộ chia này vẫn có điểm yếu là không điều chỉnh được tốc độ cho riêng từng F0, ví dụ 1 lít/phút hoặc 2 lít/phút… Như vậy, tất cả bệnh nhân đều phải thở với tốc độ chung, không thể chỉnh riêng theo tình trạng bệnh của từng người.
Clip anh Nguyễn Tiến Hiển hướng dẫn sử dụng bộ chia oxy
Được biết, anh còn chế tạo thành công buồng khử khuẩn khẩu trang. Anh có thể chia sẻ một chút về sáng kiến này không, thưa anh?
- Với F0 cách ly tại nhà, ngoài oxy, thuốc… tuân thủ đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người nhà là thao tác quan trọng không thể bỏ qua.
Tuy nhiên, những ngày TP Hồ Chí Minh “siết chặt” giãn cách xã hội, nhiều gia đình đã không mua được khẩu trang y tế, hoặc nếu mua được thì cũng rất chậm. Vì vậy, tôi quyết tâm tạo ra buồng khử khuẩn khẩu trang dành cho những gia đình F0 có ít khẩu trang tiêu chuẩn, giúp họ tái sử dụng khẩu trang đã dùng mà vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch.
Buồng khử khuẩn khẩu trang, một sáng kiến khác cũng của anh Nguyễn Tiến Hiển
Dành nhiều tâm huyết cho hoạt động thiện nguyên, cơ duyên nào đã đưa anh đến với Nhóm Oxy y tế TP Hồ Chí Minh?
- Thật ra, TP Hồ Chí Minh không phải là địa điểm đầu tiên mà tôi tham gia chống dịch. Giữa tháng 6/2021, khi là tình nguyện viên tham gia chống dịch ở Bắc Giang, tôi gặp gỡ và kết bạn với anh Nguyễn Tiến Đạt (là phóng viên ở TP Hồ Chí Minh, cũng ra hỗ trợ Bắc Giang chống dịch).
Hoàn thành nhiệm vụ ở Bắc Giang, tôi về Hà Nội, còn anh Đạt về lại TP Hồ Chí Minh. Đến cuối tháng 6/2021, khi tình hình dịch ở TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, tôi chủ động liên hệ bác sĩ Hùng (Bệnh viện 30/4, TP Hồ Chí Minh) với mong muốn hỗ trợ trang thiết bị y tế phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 cho bệnh viện.
Với số tiền 250 triệu đồng kêu gọi quyên góp được từ các mối quan hệ bạn bè thân thiết, tôi chi 240 triệu đồng mua tặng Bệnh viện 30/4 2 máy HFNC (máy trợ thở dòng cao, giá 120 triệu đồng/máy). Còn dư ra 10 triệu, tôi có nhã ý tặng luôn cho bệnh viện mua oxy, nhưng bác sĩ Hùng từ chối vì bệnh viện đã có bồn oxy.
Bác sĩ Hùng khuyên tôi, nên tặng cho các cơ sở y tế khác tại TP Hồ Chí Minh, vì thời điểm này nhu cầu sử dụng oxy y tế để điều trị F0 là rất cao.
Thành viên Nhóm Oxy Y tế TP Hồ Chí Minh trong một lần hỗ trợ F0 điều trị tại nhà
Những lời chia sẻ của bác sĩ Hùng khiến tôi quyết định rời Hà Nội, trực tiếp vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ bà con chống dịch.
Sau khi nhận được lời đồng ý tham gia của anh Đạt, mục tiêu vào TP lần này của tôi trở nên ý nghĩa và rõ ràng ngay từ ban đầu. Đó là giao oxy tận nhà cho F0.
Khi bắt tay vào làm, chúng tôi phát hiện TP Hồ Chí Minh không thiếu oxy, chủ yếu là thiếu vỏ bình và van. Được sự chung tay của các mạnh thường quân, chỉ trong thời gian ngắn, nhóm đã gom được kha khá bình, đồ bảo hộ, thuốc…dùng để hỗ trợ F0.
Chúng tôi ưu tiên hỗ trợ 3 nhóm đối tượng thực sự cấp bách. Một là những trường hợp đang có bệnh nền cần cấp cứu được chỉ định thở oxy và đã có sẵn máy ở nhà cùng với các dụng cụ cần thiết như van, mặt nạ thở, duy chỉ thiếu là bình oxy mới để dùng tiếp. Hai là hỗ trợ các bệnh nhân mắc Covid-19 thuộc diện cần cấp cứu ngay để vượt qua tình trạng nguy hiểm. Ba là trường hợp người dân đang cách ly y tế ở nhà nhưng bệnh trở nặng và cần hỗ trợ cấp cứu điều trị trong lúc chờ chuyển lên tuyến trên.
Chỉ sau thời gian ngắn hoạt động, từ 3 thành viên ban đầu, nhóm phát triển với thêm nhiều thành viên mới. Nhìn lại những kết quả đạt được, chúng tôi tự hào vì đã kịp thời hỗ trợ cho người dân, chia sẻ áp lực với các bệnh viện vốn đang quá tải hoặc đang được trưng dụng trở thành các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19.
Việc vác bình oxy 40 lít tưởng chừng khó khăn, nhưng cũng không thể làm khó nhiệt huyết hỗ trợ F0 của Nhóm Oxy Y tế TP Hồ Chí Minh
Trong quá trình giao oxy tận nhà, Nhóm Oxy y tế TP Hồ Chí Minh đã gặp khó khăn gì?
- Khó khăn thì chắc chắn phải có, nhưng tôi không muốn nói quá nhiều về khía cạnh này vì một khi đã làm thì phải chấp nhận khó khăn và tìm cách vượt qua nó.
Những ngày đầu hoạt động, nhóm may mắn được làm quen và nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ đội Oxy VN-2021 của anh Vịnh. Khi bên này hết oxy thì bên kia hỗ trợ và ngược lại, để đảm bảo mục tiêu cuối cùng là khi bệnh nhân cần sẽ được cứu giúp kịp thời.
Giai đoạn đỉnh dịch, có những ngày anh em chúng tôi hỗ trợ trung bình 40-50 F0/ngày, thậm chí có ngày nhiều đến mức 70 – 80 F0.
Để công việc đạt được hiệu quả, chúng tôi thống nhất hoạt động trên tinh thần “trái tim ấm, cái đầu lạnh”. Nguyên nhân là vì khi mắc Covid-19, bệnh nhân bị cảm giác mệt mỏi, đau nhức làm cho lười nhác, họ không muốn ăn. Nhưng nếu không ăn thì làm sao khoẻ được, do đó với bệnh nhân nào không chịu hợp tác, không làm theo hướng dẫn của bác sĩ, nhóm sẽ từ chối hỗ trợ oxy. Thái độ dứt khoát này đã giúp nhiều bệnh nhân ý thức hơn trong quá trình điều trị, họ chịu lắng nghe và phối hợp với bác sĩ, từ đó đạt kết quả điều trị cao nhất.
Tài xế giao bình oxy của Nhóm Oxy Y tế TP Hồ Chí Minh đang hướng dẫn người nhà F0 cách sử bình oxy an toàn
Làm thế nào để đảm bảo oxy đến với F0 đáp ứng điều kiện y tế?
- Tất cả F0 được giao oxy tận nhà, phải được chỉ định sử dụng bình oxy từ bác sĩ, chúng tôi chỉ hỗ trợ đổi bình cũ lấy bình mới cho họ. Nói một cách dễ hiểu là chúng tôi thực hiện công tác chuẩn bị, vận chuyển các bình oxy đến cho F0 cần sử dụng theo đúng chỉ định từ y bác sĩ.
Trong đó, với những bệnh nhân sau khi điều trị mà có triệu chứng nghiện oxy, thì nhóm cũng sẽ đảm bảo hỗ trợ bệnh nhân bỏ oxy từ từ, không để tình trạng lạm dụng oxy kéo dài, ảnh hưởng không tốt quá trình phục hồi của phổi. Và quy trình này, chúng tôi cũng làm theo hướng dẫn của bác sĩ.
Đồng thời, những quy tắc vận hành bình oxy an toàn cũng được chúng tôi truyền đạt cụ thể, đầy đủ đến F0, và người nhà F0.
Xin cảm ơn anh!
Báo Kinh tế và Đô thị tặng Nhóm Oxy Y tế TP Hồ Chí Minh 10 bình oxy
10 bình oxy Báo Kinh tế và Đô thị tặng Nhóm Oxy Y tế TP Hồ Chí Minh Đánh giá mô hình oxy miễn phí của Nhóm Oxy Y tế TP Hồ Chí Minh là thiết thực, có ý nghĩa thiết thực trong việc hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, VPĐD báo Kinh tế và Đô thị tại TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ cho nhóm 10 bình oxy, với hy vọng cùng chung tay lan toả tinh thần “lá lành đùm lá rách”, trong những ngày TP Hồ Chí Minh kiên cường chống dịch Covid-19. Nhà báo Đoàn Bá Trường – Trưởng đại diện VP báo Kinh tế & Đô thị tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ, vô cùng cảm động khi chứng kiến hình ảnh các bạn tình nguyện không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, cả ngày lẫn đêm miệt mài giao những bình oxy đến tận nơi cho người bệnh Covid-19. “Báo Kinh tế & Đô thị cũng mong muốn góp chút tấm lòng nhỏ để cùng các bạn tình nguyện viên, cùng người dân và TP Hồ Chí Minh vượt qua đại dịch”, nhà báo Đoàn Bá Trường bày tỏ. |